Tuổi trẻ có nên làm việc vì tiền thay vì đam mê

  Oct 24, 2018      2m      0   
 

Góc nhìn khác bằng trải nghiệm của tác giả Vũ Trần Thiên Hỷ Khánh Vân

Tuổi trẻ có nên làm việc vì tiền thay vì đam mê

TUỔI TRẺ CÓ NÊN LÀM VIỆC VÌ TIỀN THAY VÌ ĐAM MÊ

Vài suy nghĩ về bài viết "Nếu bạn còn trẻ, hãy làm việc vì tiền, thay vì nói tôi đang theo đuổi đam mê một cách sáo rỗng"

Mấy bữa nay dạo quanh mạng XH, Vân thấy nhiều bạn trẻ chia sẻ thông điệp từ bài viết trên và bình luận, tán thành như một quan điểm “là lạ”. Dưới con mắt của một người làm Nhân sự, cũng là người đang miệt mài theo đuổi những gì bản thân “thích” nhưng không quên mục tiêu kiếm tiền. Mình không phản đối cũng không đồng tình với quan điểm trên, chỉ đưa ra một góc nhìn khác bằng trải nghiệm bản thân


Trích lại đoạn bài viết của tác giả (chả thấy tên?) “Trong một buổi hội thảo dành cho các bạn trẻ, một vị CEO đã nhấn mạnh rằng: 'Khi bạn còn trẻ, hãy làm việc bằng tất cả sự đam mê của mình. Nếu bạn được trả mức lương 5 đồng, hãy làm việc như thể bạn đang được trả 10 đồng, và đó là bí quyết của sự thành công'.

Cả khán phòng vỡ oà và tràn pháo tay dậy sóng vang lên. Giữa lúc ấy, có một bạn trẻ rụt rè đứng lên hỏi lại rằng: 'Vì sao thành công lại đồng nghĩa với việc mình sẽ làm gấp đôi số tiền mình được nhận ạ?'.

Vâng, và cả khán phòng hôm ấy đã không biết được rằng, câu nói của CEO kia là đúng, nhưng chỉ một nửa. Theo đuổi đam mê bằng cách nỗ lực gấp nhiều lần so với những gì bạn được trả chỉ mang lại thành công cho các nhà tư bản, các ông chủ ngay trước mắt, và may mắn lắm (nếu đúng cách) sẽ mang lại thành công cho bạn sau này.

Nói một cách dí dỏm, theo thuyết âm mưu, đây là cách nhà tư bản tiêm vào đầu giới trẻ 2 chữ 'Đam mê' một cách lệch lạc nào đó để thu được khoản hời khổng lồ từ nhiệt huyết tuổi trẻ với chi phí càng thấp càng tốt.”


Với việc “kiếm tiền”, Vân nghĩ như thế này, “khi bạn còn trẻ” chúng ta tạm chia ra làm 2 giai đoạn: Trẻ cả về tuổi lẫn kinh nghiệm nghề và trẻ đã có kinh nghiệm nghề.

  • Trẻ tuổi, trẻ kinh nghiệm: Vừa gia nhập thị trường lao động, thứ bạn có được là sức khỏe đang hừng hực có thể đốt trụi cả cánh rừng già và những kiến thức chưa được kiểm chứng bởi chính bạn. Nếu được trả 1 đồng, bạn đừng ngại ngần làm 1,5 thậm chí 2, 3 đồng. Chẳng hạn bạn học Marketing và làm công việc Digital Marketing, được giao cho nhiệm vụ chính là viết nội dung mỗi ngày, nếu hoàn thành xong công việc được giao, thay vì lên mạng ngồi 8 9 10 cho qua nhanh tới lúc lãnh lương, bạn hãy chủ động xin tham gia vào các hoạt động khác của phòng như tổ chức sự kiện hay vài nơi phòng Marketing còn có cả chăm sóc khách hàng trong đấy, và nhiều hoạt động khác. Đừng chỉ nghỉ rằng giá trị thặng dư do sức lao động của bạn tạo ra đang bị “tư bản” chiếm không. Đây là giai đoạn bạn đang tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp cho chính bạn hay khác hơn là khi tích đủ lượng, sẽ tạo ra thay đổi về chất (bước ra khỏi giai đoạn junior để tiến đến việc tìm kiếm các công việc senior hơn). Xa hơn, việc lăn xả trong giai đoạn đầu tiên này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng thể về công việc của mình, khi bạn lên cấp quản lý tất nhiên sẽ bao quát hơn, quản lý nhân viên tốt hơn, am hiểu mọi thứ hơn đương nhiên đưa ra quyết định cũng chính xác với tình hình thực tế hơn (chẳng hạn như bạn không quy định nhân viên cấp dưới làm digital marketing nhưng yêu cầu máy tính công ty CẤM …kết nối internet vậy)

  • Trẻ tuổi có kinh nghiệm: Khi bạn đã có kha khá kinh nghiệm (thông thường khoảng 1,2 năm), đây là gia đoạn bước qua môi trường làm việc thực tế, ít nhiều bạn đã hiểu được vai trò công việc của mình, có thông tin về thu nhập, lộ trình sự nghiệp… Lúc này bạn đã có thể thương lượng cho mình một mức lương, thu nhập phù hợp năng lực bản thân. Câu hỏi đặt ra là “có cần làm nhiều hơn so với mức được trả hay không?” Với Vân, vẫn là có. Nếu bạn cảm thấy giữ một công việc chỉ để đủ sống, bạn hài lòng với hiện tại (tất nhiên vẫn có thể bị rủi ro mất việc trong thời đại cạnh tranh lao động), bạn không cần cố gắng thêm. Với những người có tham vọng nghề nghiệp, ở vị trí bình thường, họ vẫn làm việc nhiều để khẳng định năng lực bản thân, hiệu quả công việc và sự tiềm năng cho một vị trí khác ở cấp độ cao…Hỏi rằng, nếu ai cũng nghĩ lương tôi có 1 đồng, tại sao phải làm 2, thì người lãnh đạo sẽ chẳng nhìn ra được hạt đậu nào tốt hơn giữa nguyên cả rổ để bốc ra đem đi làm hạt giống?!? (không hẳn là làm việc nhiều, mà còn cần làm việc khoa học, làm việc một cách thông minh).

Tác giả đề cập đến “may mắn”. Vân nghĩ rằng, với những ai có năng lực thật sự, làm nhiều để tích lũy tối đa trải nghiệm nghề nghiệp và có ý thức về bản thân lại trông đợi vào hai chữ may rủi là chưa hợp lý lắm. Vân thích câu “MAY MẮN = CƠ HỘI + SỰ CHUẨN BỊ + HÀNH ĐỘNG” của tác giả Adam Khoo hơn. Khi đã trải qua những giai đoạn “nằm gai nếm mật”, họ có sự trưởng thành nghề nghiệp, tư duy để tìm cho mình một chỗ đứng phù hợp. Vẫn là đang kiếm tiền nhiều lên theo thời gian, là “kiếm tiền bền vững” dựa trên nỗ lực, sự kiên trì của bản thân trong lộ trình nghề nghiệp phù hợp. Tất nhiên, bạn có thể lựa chọn tiêu xài tuổi trẻ của mình bằng các cách khác (một ngày làm 3 4 công việc không thích chút nào chỉ với mục đích có tiền, mỗi việc đúng nhiệm vụ được giao không hơn không kém, không cần cố gắng học hỏi gì thêm để tăng cả kỹ năng lẫn chuyên môn mà cuối tháng cộng lại nhiều gấp mấy lần người khác. Năm này qua năm nọ tuổi đã thành lớn nhưng túi nghề nghiệp vẫn chưa đầy lên được).

Mỗi một sự lựa chọn hiện tại, đều ảnh hưởng ít nhiều đến tương lai cả.

Chúng ta đủ tuổi lao động, tức đủ sức suy nghĩ điều gì tốt, xấu cho riêng mình. Về bản chất, tham gia vào thị trường lao động, để có tiền (), chúng ta đang bán đi hàng hóa sức lao động. Như vậy, bán ít nhận ít, bán nhiều nhận nhiều, hay bán nhiều hơn nhận để tích lượng, đầu tư cho tương lai – đều do bạn chọn!. Đến một lúc, kết quả không được như mong đợi (hàng chất lượng cao rồi mà người sử dụng lao động vẫn mua với giá đồ Tàu). Bạn có quyền ra đi tìm nơi phù hợp hơn mà!!!!!

Nếu thật sự giỏi, đừng bán chất xám của bạn với giá rẻ (bạn mình vừa nhắc mình nhớ điều này vài hôm trước)

Nếu đang trên đường đi đến ..sự giỏi, hãy đừng ngại xông pha!

Nói về “đam mê”, thật sự thì cho đến thời điểm này, mình cũng chưa thể thật sự cảm nhận hết về cụm từ này. Cũng như “yêu” và “thích” (không tính “thương”, “say nắng, say gió”…), nhiều người vẫn cứ hay lẫn lộn với nhau, thành ra lắm chuyện bi hài cũng từ đây mà ra. Người thì “Đố ai định nghĩa được chữ yêu, có khó gì đâu 1 buổi chiều, thấy em ngồi chơi bên cầu khỉ, nhìn em giống khỉ…thế là yêu”, ông khác lại “tình yêu là 1 buổi chiều ruồi bu kiến đậu, nhớ đến em mà nước mũi chảy lòng thòng (yêu kiểu này thì hơi mất vệ sinh!). Thật lạ, dù khó để hiểu, để có định nghĩa chung nhưng Vân ngồi để phỏng vấn (cũng như khi trò chuyện) với rất nhiều người thì hay nhận câu trả lời “em/anh/chị làm là để theo đuổi đam mê là chính (chứ kiếm tiền là …10). Mà yêu với thích, ngủ 1 giấc dậy tự dưng tan biến (hoặc chuyển sang anh chàng/cô nàng khác) là rất bình thường. “Đam mê” làm Ca sĩ mà một hôm thấy báo đăng hàng bánh tráng trộn kiếm 1 triệu đồng/ngày cũng có khi chả cần phải luyện thanh, luyện giọng làm chi cho cực. Quay sang “thích” trộn bánh thì hốt bạc có ngày.

Mong manh, khó xác định, nhất là với tuổi trẻ đầy mâu thuẫn của chúng ta!

Mình nghĩ, thôi thì đừng bàn nhiều đến những chuyện to tát. Khi chúng ta đi làm, hãy cứ vì cái “nhu cầu sinh lý” của chính mình, nuôi sống được bản thân, kiếm được tiền tái đầu tư vào giáo dục hoặc nộp vào quỹ…tình phí mà không phải xin tiền mẹ cha. Vậy là tốt rồi. Để làm việc không thấy buồn, không thấy mỗi ngày ngủ dậy chả muốn ngồi lên ra khỏi giường, nghĩ đến công việc 3 chữ “oải chè đậu” hiện to đùng trước mắt. Chúng ta cần “thích” việc ấy một chút đã. “Thích” làm, thời gian trôi qua nhanh, ta sẽ chịu khó góp nhặt kinh nghiệm để làm giàu vốn công việc, vốn sống để tiến nhanh hơn. Mà càng tích lũy được nhiều vốn liếng trên, ta càng “pro” hơn thì “hàng hóa sức lao động” này khi đem ra thị trường lại có giá trị hơn ấy chứ. Vậy là tuổi trẻ vừa kiếm tiền – vừa thích (bạn sẽ hỏi đâu phải ai cũng chọn được việc mình thích để mà làm? – Vậy thì hãy làm sao để THÍCH VIỆC MÌNH ĐANG LÀM – google sẽ chỉ nhé ^^).

Nghe tác giả đặt ra vấn đề “Đam mê và kiếm tiền có song song với nhau hay không?”. Tại sao lại phải tồn tại song song? (nghe đồn 2 điểm song song vẫn gặp nhau tại vô cực phải không ta? Hic). Thoáng qua, mình chợt nghĩ đến mối liên hệ biện chứng giữa chúng. Ta làm việc ta thích, vẫn có thể dùng tuổi trẻ để kiếm tiền nhiều, kiếm tiền chính đáng từ sự đầu tư đúng mực vào nâng cao chất lượng nghề nghiệp. Ta chọn kiếm tiền từ việc ta làm, tìm điểm nào từ nó có cảm tình tí xíu để tạo ra cảm hứng (làm lâu biết đâu thành hơi thích thích, rồi thích quá thích lúc nào không hay). Chúng nó quyện vào nhau, chúng ta thành con người hăng say làm việc, không ngừng mở mang trải nghiệm.

Mình lại chợt nghĩ đến một phạm trù Triết “Cái riêng – cái chung – cái đơn nhất”. Ví dụ tất cả lao động là cái chung, chúng ta là cái riêng trong giữa muôn vàn cái riêng khác, ai cũng có trình độ, kỹ năng, thái độ tạm cho là không đổi, suy nghĩ cũng sàng sàng như nhau. Vậy, để trở thành một cá nhân “đơn nhất”, sở hữu mấy điểm khác biệt riêng thì việc chúng ta làm cần thật bình tĩnh, sáng suốt, biết lúc nào cần cho đi nhiều hơn, lúc nào nên nhận. Đừng nhìn thấy lạ, thấy hay thì nghe theo thì đem về như một quan điểm sống cần học hỏi.

Mà mình dốt triết học, nên cũng chỉ có thể tượng tượng ra chút liên quan thế này thôi.

Chúc các bạn trẻ kiếm tiền thật tốt, có được công việc yêu thích. Đừng quên rèn cho mình cả tư duy đa chiều khi tiếp nhận một vấn đề, nhất là khi nó lạ (mà chưa hẳn nó có hay!?!).

Bài viết gốc:

https://www.facebook.com/Vu.Khanh.Van/posts/1570498373037904



Khám phá xử lý ảnh - GVGroup




-->